THAM GIA TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN
KINH DOANH THƯƠNG MẠI – DÂN SỰ NÓI CHUNG
Việc tham gia tố tụng trong vụ án dân sự đối với số đông là một công việc bất đắc dĩ, tuy nhiên nếu không có những giải pháp thay thế khác thì tham gia tố tụng là lựa chọn bắt buộc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vậy để hiểu rõ hơn về về tham gia tố tụng trong vụ án dân sự là gì, tại sao cần thiết phải có Luật sư tham gia trong vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Hãy cùng SGT Law Firm trao đổi với Luật sư Ngô Trương Bảo để tìm hiểu một số khái niệm pháp lý cơ bản trong bài viết này nhé.
Tố tụng dân sự là gì?
Là trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự.
Tố tụng dân sự qui định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.
Khi nào phải tham gia tố tụng trong vụ án dân sự?
Khi mà cá nhân, tổ chức là đương sự trong vụ án dân sự do Tòa án thụ lý vụ án nhằm giải quyết một hoặc nhiều tranh chấp dân sự cụ thể.
Vụ án dân sự là gì?
Là vụ án do Tòa án thụ lý giải quyết căn cứ vào đơn khởi kiện của một bên trong tranh chấp dân sự; Tranh chấp dân sự là tranh chấp phát sinh từ các quan hệ dân sự, hôn nhân & gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.
Đương sự trong vụ án dân sự là gì?
Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự có nhiều quyền và nghĩa vụ tố tụng, trong đó có quyền tự mình hoặc yêu cầu người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Luật sư là ai và có thể làm gì?
Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân Luật, đã được đào tạo nghề Luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề Luật sư, có chứng chỉ hành nghề và tham gia vào một Đoàn luật sư cụ thể.
Luật sư có thể tham gia tố tụng trong vụ án dân sự với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự hoặc với tư cách là người đại diện theo ủy quyền cho đương sự.
Pháp luật cho phép đương sự tự mình bảo vệ hoặc yêu cầu người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại sao phải yêu cầu Luật sư?
Có thể nói, một vụ án dân sự kết thúc khi có được bản án không bị kháng cáo, kháng nghị hay nói cách khác là bản án có hiệu lực pháp luật. Dưới góc nhìn của khoa học pháp lý thì bản án chính là kết quả của quá trình tranh tụng tại phiên tòa, chứ không phải là phán quyết mang tính chủ quan của Tòa án. Tòa án chỉ đóng vai trò là bên thứ ba trung gian giúp các bên giải quyết tranh chấp. Theo Luật sư Ngô Trương Bảo, để có được nhận định này là bởi các lý do như sau:
Nghĩa vụ chứng minh của các đương sự: Căn cứ theo qui định tại Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự thì đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Như vậy, nghĩa vụ chứng minh là của đương sự chứ không phải của Tòa án, tuy nhiên pháp luật tố tụng qui định chặt chẽ về các thời hạn nộp chứng cứ hoặc yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ mà không phải đương sự nào cũng nắm rõ, nên đã xảy ra trường hợp Tòa án chỉ xem xét, đánh giá những chứng cứ có trong hồ sơ mà bỏ qua những tài liệu, chứng cứ khác do đương sự không xuất trình đúng hạn theo qui định. Đương sự tham gia vụ án là công việc bất đắc dĩ, bên cạnh đó họ còn có những công việc khác phải theo đuổi nên việc dành thời gian để hiểu rõ các qui định của pháp luật đôi khi là không thể. Do vậy, thường là đương sự yêu cầu Luật sư là người am hiểu pháp luật hỗ trợ mình trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh này.
Hệ thống pháp luật: Luật hoặc hệ thống pháp luật thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội thông thường sẽ bị lạc hậu một cách tương đối so với sự phát triển của các quan hệ trong xã hội nên việc điều chỉnh của pháp luật không phải lúc nào cũng toàn diện. Nếu thuần túy áp một quan hệ tranh chấp vào một điều khoản pháp luật cụ thể hoặc một đạo luật chuyên ngành có thể sẽ có một cách hiểu mang tính cục bộ và thiếu tính toàn diện, trong khi đó, cùng quan hệ pháp luật đó với việc xem xét trên cơ sở toàn diện của hệ thống pháp luật thì có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng pháp luật. Ví dụ: Luật đất đai qui định về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu khác với qui định của Luật nhà ở và Luật dân sự. Chỉ có những người có kiến thức pháp luật chuyên sâu cùng với kinh nghiệm thực tiễn lâu năm mới có khả năng áp dụng pháp luật một cách chính xác nhất.
Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự:
Theo qui định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự thì đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Như vậy, nếu nói cách khác, nguyên đơn chính là người ra quyết định làm phát sinh vụ án hoặc chấm dứt vụ án và phạm vi giải quyết vụ án của Tòa án cũng do nguyên đơn xác định. Từ đó, có thể thấy được tầm quan trọng của đơn khởi kiện và việc làm được một đơn khởi kiện đúng không phải ai cũng làm được.
Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử: Theo qui định tại Điều 24 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đương sự, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. Để thực hiện quyền này ngoài sự am hiểu pháp luật một cách chuyên sâu thì người tham gia tranh trụng phải có được kỹ năng tranh tụng tốt mới có thể bảo vệ thành công quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Cuối cùng, theo qui định tại khoản 3 Điều 24 thì Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định. Như vậy, có thể nói bản án chính là kết quả tranh tụng của vụ án.
Có thể bạn cũng quan tâm: