Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết lần sửa đổi này sẽ sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách lớn về đất đai.
Sáng nay, dự án Luật đất đai sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM trước đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách lớn.
Thứ nhất, quy định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai; những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất;… Phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm tra, giám sát đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Quy định quyền của công dân trong tiếp cận đất đai, thông tin đất đai, tham gia trong xây dựng chính sách, lập quy hoạch, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giám sát việc thực hiện.
Thứ hai, bên cạnh 9 quyền của người sử dụng đất theo quy định hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ sử dụng đất xây dựng công trình ngầm, trên không; quyền tự đầu tư trên đất và góp quyền sử dụng đất để xây dựng, chỉnh trang đô thị phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sử dụng.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà |
Thứ ba, bổ sung, hoàn thiện nguyên tắc lập quy hoạch bảo đảm liên kết vùng, thống nhất đồng bộ với các quy hoạch ngành có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị; cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và tiềm năng đất đai; nội dung quy hoạch thể hiện được chỉ tiêu, không gian sử dụng đất; xác định khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển; định hướng phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng tuyến công trình hạ tầng và kết nối giao thông, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chi tiết đến từng thửa đất. Đổi mới về phương pháp đảm bảo tính khả thi, quy định về sự tham gia của người dân trong lập, giám sát thực hiện quy hoạch và quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch; trách nhiệm công khai, rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án không có khả năng thực hiện.
Thứ tư, quy định nội hàm, điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước khi quyết định thu hồi đất. Đa dạng các hình thức bồi thường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Quy định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.
Thứ năm, cụ thể hóa các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất; các trường hợp, điều kiện, tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; các trường hợp thuê đất trả tiền một lần, trả tiền thuê đất hàng năm để dễ thực hiện, dễ giám sát. Phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, đặc dụng. Hoàn thiện quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo. Bổ sung quy định để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.
Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, với sự tham gia của đại diện HĐND, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức tư vấn, chuyên gia về giá đất để đảm bảo tính độc lập, khách quan; đối với khu vực có bản đồ địa chính số, dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Quy định đăng ký giá, đề xuất chính sách thuế liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất,... để người dân kê khai đúng giá giao dịch qua đó xây dựng dữ liệu giá đất đủ dày, tin cậy, phản ánh khách quan, trung thực giá trị thị trường làm đầu vào cho công tác định giá, loại bỏ được các yếu tố dị thường như thổi giá, sốt giá.
Thứ bảy, hoàn thiện công cụ kinh tế, tài chính để điều tiết quan hệ giữa Nhà nước-thị trường-xã hội phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua quy định điều tiết nguồn thu, điều tiết địa tô và chính sách thuế. Quy định các trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển bao trùm bằng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách xã hội.
Thứ tám, phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất với các cơ chế để Nhà nước tạo quỹ đất chủ động điều tiết cung - cầu của thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất phát huy nguồn lực đất đai. Bổ sung chính sách thuế tăng thêm đối với các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng; quy định các giao dịch về quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch; bắt buộc đăng ký giá đất, tài sản gắn liền với đất; quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp.
Thứ chín, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai thông qua bổ sung quy định về quản lý, sử dụng đất đa mục đích; đất xây dựng công trình ngầm, trên không, đất từ hoạt động lấn biển, đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế. Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Bổ sung các cơ chế tập trung, tích tụ đất đai, góp quyền sử dụng đất phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hoàn thiện các quy định xử lý các tồn tại trong quản lý sử dụng đất nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.
Thứ mười, đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính với hành lang pháp lý cho xây dựng, cập nhật, quản lý vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc lập quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, quyết định giá đất cụ thể... Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, cắt giảm khâu trung gian, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Cuối cùng là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai; giảm tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bằng các quy định cụ thể về kiểm toán đất đai; theo dõi, đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai; kiểm tra chuyên ngành đất đai; bổ sung hình thức đối thoại, hòa giải tại Tòa án; quy định thẩm quyền cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai; quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn. Hoàn thiện các cơ chế giám sát trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.