Nhà báo tự ý ghi hình phiên tòa: Phạt đến 15 triệu đồng?

hotline0909.227.486 emailinfo@gegroup.edu.vn
Nhà báo tự ý ghi hình phiên tòa: Phạt đến 15 triệu đồng?
Ngày đăng: 16/08/2022 09:50 AM

    Theo dự thảo pháp lệnh, nhà báo ghi âm, ghi hình HĐXX mà không được chủ tọa phiên tòa đồng ý; ghi âm, ghi hình người tham gia tố tụng mà không được họ đồng ý sẽ bị phạt 7-15 triệu đồng.

    Sáng 15-8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (HĐTT).

    Nhà báo tự ý ghi hình phiên tòa: Phạt đến 15 triệu đồng? ảnh 1

    Phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa tại TAND TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

    Phạt nặng nhà báo, luật sư nếu cản trở hoạt động tố tụng

    Dự thảo pháp lệnh quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở HĐTT của cá nhân đến 40 triệu đồng, với tổ chức đến 80 triệu đồng.

    Đáng chú ý, theo dự thảo, nhà báo sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng nếu không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa.

    Nhà báo cũng có thể bị phạt 7-15 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ.

    Thậm chí, mức xử phạt có thể đến 15-30 triệu đồng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng. Hoặc ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.

    Tương tự, luật sư (LS), trợ giúp viên pháp lý cũng chịu chế tài xử phạt khá nặng. Dự thảo quy định hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền… có thể bị phạt tiền 5-15 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu LS, trợ giúp viên pháp lý có những hành vi trên thì mức xử phạt là 15-30 triệu đồng.

    Ngoài ra, người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên hoặc kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật sẽ bị phạt tiền 8-15 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu người vi phạm là LS, trợ giúp viên pháp lý thì mức phạt tiền là 15-30 triệu đồng.

    Trùng lặp với nhiều nghị định xử phạt khác?

    Nêu ý kiến về dự thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng một số hành vi quy định tại dự thảo trùng lặp với hành vi quy định tại nhiều nghị định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực nhưng mức phạt, hình thức phạt bổ sung lại khác nhau.

    Bà Oanh dẫn chứng hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật tại Điều 9 của dự thảo trùng lặp với hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định tại Nghị định 144/2021 của Chính phủ.

    Nghị định 144 quy định mức phạt tiền 2-3 triệu đồng, trong khi dự thảo quy định thành ba mức phạt tiền khác nhau, mức cao nhất đến 30 triệu đồng, gấp 10 lần quy định của Chính phủ hiện nay.

    Bên cạnh quy định riêng đối với nhà báo, điểm đ khoản 4 Điều 23 dự thảo quy định: “Ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng” sẽ bị phạt 7-15 triệu đồng. Điều này được hiểu người không phải nhà báo (ví dụ YouTuber, Facebooker…) tham dự phiên tòa mà livestream phiên xử sẽ bị phạt 7-15 triệu đồng.

    Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho rằng nhiều hành vi tại dự thảo trùng lặp với Nghị định 82 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

    Ví dụ, Điều 15 của dự thảo về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp LS, trợ giúp viên pháp lý vi phạm điều này bị phạt 15-30 triệu đồng, hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện VPHC.

    Trong khi đó, với hành vi này, Nghị định 82 quy định phạt tiền 20-30 triệu đồng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung rất nặng, là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề LS hoặc giấy phép hành nghề LS...

    Bà Oanh cho rằng các quy định của pháp lệnh này sẽ vô hiệu hóa các quy định của nghị định mà theo bà là “phù hợp hơn”. “Trong lĩnh vực LS, không phải tự dưng mà quy định những hình phạt bổ sung rất nặng như vậy, bởi vì LS là đối tượng rất nhạy cảm” - bà Oanh nói.

    Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho hay dự thảo pháp lệnh liên quan chặt chẽ với chín luật, pháp lệnh, cụ thể là ba luật, bộ luật tố tụng, bốn pháp lệnh trong tố tụng, BLHS và Luật Xử lý VPHC.

    Theo bà Thủy, các nhóm hành vi cản trở HĐTT được quy định tại dự thảo “không phải cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan tự nghĩ ra”, tất cả đều nằm trong ba luật, bộ luật tố tụng. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với ban soạn thảo rà soát rất kỹ các nghị định của Chính phủ liên quan đến vấn đề này, đặc biệt là Nghị định 82, Nghị định 114, Nghị định 118, Nghị định 119...

    “Nếu có hành vi tố giác điều tra viên, tố giác kiểm sát viên, anh đang thụ lý vụ án đó nói rằng điều tra viên bức cung, điều tra viên dùng nhục hình thì rõ ràng những hành vi này nguy hiểm và nó nghiêm trọng hơn rất nhiều” - bà Thủy lý giải vì sao mức xử phạt theo dự thảo pháp lệnh với hành vi trên cao hơn so với mức quy định của Nghị định 144.•

    “Pháp lệnh không vượt quá khung của luật”

    “Ủy ban Tư pháp và tòa án đã làm kỹ rồi, tuy nhiên muốn để cho nó trọn vẹn hơn thì việc rà soát cũng là cần thiết, chúng tôi sẽ tiếp thu” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

    Lý giải việc dự thảo pháp lệnh quy định mức xử phạt nặng hơn với một số hành vi, ông Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng BLHS quy định hành vi đánh người gây thương tích, việc này xảy ra khá phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo ông, nếu “ông công an, ông kiểm sát đánh người thì đấy là hành vi quá nặng, buộc phải xử nặng”.

    Tương tự, hành vi làm hồ sơ giấy tờ giả, trong trường hợp bình thường thì xử lý nhẹ. Nhưng nếu cơ quan tố tụng làm sai hồ sơ giấy tờ thì liên quan đến công quyền, đến sinh mạng công dân nên các vi phạm phải xử nặng hơn nhiều so với thông thường, cả về hành chính.

    Cũng theo Chánh án TAND Tối cao, nếu đưa thông tin sai lệch trên báo, làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì phải xử lý nặng hơn.

    “Còn việc quy định như vậy có quá nặng hay không thì đều theo quy định trong khung cả. Anh em thiết kế việc này cũng nằm trong khung, giới hạn của pháp lệnh là không được vượt quá luật” - ông Bình nói thêm.

     

    nguồn:https://plo.vn/nha-bao-tu-y-ghi-hinh-phien-toa-phat-den-15-trieu-dong-post694075.html

     

    Chia sẻ:
    Bài viết cùng chuyên mục:
    Gọi điện
    Messager
    Zalo
    Menu