Khi thị trường có quy mô đủ lớn, cần tính đến việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước tách ra thành cơ quan độc lập trước Bộ Tài chính.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước thuộc Bộ Tài chính có trụ sở tại đường Lương Thế Vinh, Nam Từ Liêm, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Gắn với đó là việc khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư làm cầu nối trung gian cho nhà đầu tư cá nhân, tăng tính công khai, minh bạch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, đánh giá những diễn biến vừa qua cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang "thiếu tính chuyên nghiệp". Ông nói:
- TTCK Việt Nam có 80% là nhà đầu tư cá nhân tham gia các hoạt động giao dịch, mua bán trên thị trường. Họ là những nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Đây là điểm khác biệt khi trên thế giới các nhà đầu tư không chuyên nghiệp thường không mua bán trực tiếp cổ phiếu mà mua thông qua các quỹ đầu tư.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ảnh: PHẠM TUẤN
Có yếu kém trong quản lý thị trường
* Có tình trạng lũng đoạn trên thị trường vừa qua, theo ông, do thị trường hay quy định, cơ chế, thể chế đang có lỗ hổng?
- Khi các nhà đầu tư không chuyên đông đảo thì các quyết định mua bán thường theo cảm xúc, cảm nhận cá nhân và dễ dẫn đến chạy theo tâm lý đám đông, dễ bị các "tổ lái" lôi kéo thông qua tin đồn để tạo ra "sóng", khiến thị trường thiếu chuyên nghiệp.
Chưa kể, hệ thống thông tin trên thị trường chưa thực sự đầy đủ và được công bố một cách toàn diện, chính xác về thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều báo cáo sau khi công bố rồi vẫn điều chỉnh.
Lũng đoạn TTCK điển hình nhất khi chúng ta thấy các cơ quan chức năng đã phải xử lý nhiều vụ, như bán cổ phần "chui", thậm chí sử dụng nhiều tài khoản liên kết để đẩy giá... Tuy nhiên, đây chỉ là các vụ điển hình, trên thực tế còn nhiều hành vi chúng ta chưa xử lý hết.
* Để xảy ra tình trạng này có sự yếu kém trong quản lý không, thưa ông?
- Về luật pháp chúng ta đã có các quy định từ việc bán cổ phiếu của các nhà đầu tư lớn phải đăng ký, công bố trước để tránh gây thiệt hại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hoặc quy định cấm tình trạng bắt tay giao dịch nội bộ để đẩy giá các cổ phiếu.
Quy định luật pháp là vậy nhưng những hành vi lũng đoạn đã cố tình tìm cách để vi phạm, "vượt mặt" các cơ quan quản lý nhằm kiếm lợi trên thị trường.
Bên cạnh trách nhiệm của các cá nhân vi phạm thì chính cơ quan quản lý cũng chưa phát hiện kịp thời để ngăn chặn sớm nhất.
Đáng ra, với việc sử dụng các công nghệ thông tin, hệ thống quản lý đều có thể phát hiện ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm. Rõ ràng, đó là sự yếu kém trong quản lý thị trường.
* Ông nói rằng có trách nhiệm của cơ quan quản lý, vậy trực tiếp trách nhiệm của Bộ Tài chính với những tồn tại, yếu kém của Ủy ban Chứng khoán nhà nước thời gian qua thế nào?
- Trách nhiệm quản lý TTCK thuộc về Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Ủy ban này phải có các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để ngăn chặn sớm, trước, đồng thời phải phát hiện kịp thời những hành vi có thể tạo ra lũng đoạn thị trường, thông tin sai lệch, gắn với phối hợp với cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Việc để xảy ra các sai phạm mà không ngặn chặn kịp thời là do người có trách nhiệm không thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình.
Có thể do yếu tố về năng lực, trình độ yếu kém nhưng cũng có thể do anh có hành vi vụ lợi, thậm chí không ngoại trừ khả năng bắt tay với những đối tượng thao túng thị trường, kiếm lợi.
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có những xử lý đối với lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, sở giao dịch Hà Nội, TP.HCM thể hiện sự nghiêm túc, cương quyết nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, trong sạch ở chính cơ quan quản lý và góp phần giúp thị trường ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
* Quy mô thị trường ngày càng lớn, Chính phủ cũng đặt mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm cận biên lên mới nổi. Quy mô này liệu việc đặt Ủy ban Chứng khoán nhà nước thuộc quản lý Bộ Tài Chính có còn phù hợp?
- TTCK Việt Nam vừa qua có quy mô tăng trưởng khá nhanh, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng, bởi tiềm năng để tăng trưởng còn lớn. Do vậy, cùng với xu thế phát triển của nền kinh tế thì TTCK nói riêng, thị trường vốn nói chung sẽ còn phát triển mạnh.
Với quy mô ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý cần thiết phải được nâng cấp, nâng tầm. Bởi vậy, việc chúng ta tính đến cơ quan quản lý chứng khoán tách ra thành cơ quan độc lập, vượt ra khỏi tầm quản lý của Bộ Tài chính cũng là hướng cần nghĩ tới.
Tất nhiên, cần nhìn nhận vừa qua, việc quản lý chưa tốt hoạt động của thị trường không phải do quy mô thị trường quá lớn dẫn đến Bộ Tài chính không đủ sức quản lý. Thực tế, bộ này là cơ quan đại diện quản lý nhà nước, thay mặt cho Chính phủ quản lý Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Cũng không phải do nằm trong Bộ Tài chính mà hoạt động của Ủy ban Chứng khoán nhà nước yếu đi hoặc không có đủ năng lực. Ở đây, vấn đề cốt lõi sau những vụ việc vừa qua là phải nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm hoạt động của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Thanh khoản trung bình thị trường cổ phiếu giao dịch trên sàn HoSE 5 tháng gần đây - Dữ liệu: Bông Mai - Nguồn: HoSE - Đồ họa: N.KH.
Cần quản lý chặt chẽ, quyết liệt hơn
* Vậy theo ông, vai trò giám sát của Quốc hội trong các hoạt động của TTCK như thế nào, làm sao để nâng cao năng lực, trách nhiệm hoạt động của Ủy ban Chứng khoán nhà nước?
- Quốc hội có chức năng giám sát về các hoạt động quản lý của Chính phủ đối với nền kinh tế chứ Quốc hội không giám sát trực tiếp đến hoạt động của TTCK.
Tuy nhiên trước các biến động bất thường của thị trường, những yếu kém trong quản lý nhà nước bộc lộ thì chắc chắn đây sẽ là nội dung mà Quốc hội quan tâm, yêu cầu Chính phủ, cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội.
Trên cơ sở xem xét các nguyên nhân của sai phạm, tồn tại đó thì Quốc hội sẽ đề xuất các hướng giải quyết, kể cả điều chỉnh luật pháp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có thể thấy các tồn tại này chưa phải do lỗ hổng của luật pháp mà chủ yếu do tổ chức thực hiện, thực thi.
Tương lai của TTCK của Việt Nam còn rộng mở. Thời gian tới, Nhà nước cần làm chặt chẽ, quyết liệt hơn để đảm bảo tính minh bạch, công khai về các hệ thống thông tin trên thị trường và sử dụng các công cụ kiểm soát từ sớm, từ xa để ngăn chặn hành vi thao túng thị trường.
Đây là cơ sở để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ không bị "tổ lái, cá mập" dẫn dắt. Bên cạnh đó, cần tạo ra thể chế bằng cách khuyến khích hình thành, phát triển các quỹ đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp hướng lựa chọn vào các nhà đầu tư trung gian để ổn định, ít rủi ro...
Phiên giao dịch chứng khoán tại Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* TS Bùi Đức Thụ (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia):
Ngăn chặn tin đồn thất thiệt trên thị trường
Để giải quyết vấn đề tin đồn không có cách nào khác ngoài việc phải minh bạch, chuẩn hóa thông tin để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, Nhà nước. Trong đó, trách nhiệm công bố thông tin về các số liệu tài chính chính xác, minh bạch đầu tiên là của doanh nghiệp và phải được cơ quan độc lập thẩm định lại.
Ngoài ra với các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội như bắt người này, xử lý người kia... gây ảnh hưởng đến thị trường thì các cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc ngay để xử lý và có thông tin chính xác, kịp thời.
* Ông Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Đẩy mạnh cổ phần hóa, tạo hàng hóa chất lượng
Dù phát huy vai trò nhất định nhưng với những bất cập vừa qua, đến nay TTCK chưa thể là một phong vũ biểu của nền kinh tế.
Do vậy, cần phải hoàn thiện thể chế, rà soát lại hệ thống luật liên quan đến TTCK phải đủ mạnh để chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường, thúc đẩy thị trường phát triển.
Cùng với đó, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp để tạo ra hàng hóa có chất lượng cho TTCK. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường để đảm bảo thị trường hoạt động ổn định; sửa đổi, bổ sung những quy định, luật lệ trong phát hành trái phiếu hết sức nghiêm ngặt để bảo vệ nhà đầu tư.
* PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính):
Tách Ủy ban Chứng khoán ra khỏi Bộ Tài chính
Với quy mô ngày càng phát triển của TTCK, có thể tách Ủy ban Chứng khoán ra hoạt động độc lập.
Bởi kinh nghiệm nhiều nước cho thấy cơ quan quản lý chứng khoán thường đứng độc lập, trong khi ở Việt Nam sự liên kết giữa Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính không quá chặt chẽ. Vấn đề này đã được thảo luận trước đây.
Về lý thuyết Bộ Tài chính là cơ quan liên quan chính sách tài khóa, tức là thu chi. Nhưng Ủy ban Chứng khoán là đơn vị để tạo ra thị trường, huy động vốn cho doanh nghiệp (trái phiếu, cổ phiếu) và một phần cho nền kinh tế. Vì vậy cơ cấu hoạt động, mục tiêu của Ủy ban Chứng khoán cũng có đặc thù riêng nó chứ không hoàn toàn giống như Bộ Tài chính.
Thời kỳ đầu do quy mô thị trường nhỏ và nhiều lý do khác nhau nên để trong Bộ Tài chính là hợp lý, nhưng giờ ta có thể xem xét tách ra.
Nhưng trước hết, phải thay đổi cơ sở hạ tầng công nghệ của các sàn giao dịch và thông tin liên quan chứng khoán để cập nhật kịp thời. Muốn nâng hạng thì cần làm tốt yếu tố này. Bộ Tài chính đứng ra kiểm tra giám sát hoạt động.
Hiện nay dù thuộc Bộ Tài chính nhưng Ủy ban Chứng khoán có hệ thống quản lý độc lập. Muốn cho thị trường phát triển, hoàn toàn có thể tách hai đơn vị ra để hoạt động độc lập.
* ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Giảm thuế phí để "giữ chân" nhà đầu tư
Chính phủ nên cân nhắc đề xuất chính sách giảm thuế và các công ty chứng khoán cũng cần có chính sách giảm phí giao dịch. Qua những cú sốc vừa qua dễ tạo nên xu hướng nhà đầu tư bán tháo, rời bỏ thị trường.
Việc giảm thuế, phí có thể xem xét áp dụng ngắn hạn, cho đến khi thị trường ổn định trở lại nhằm góp phần giữ chân nhà đầu tư, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý với chế tài mạnh mẽ, có thể răn đe.
Cần xử lý sớm, dứt điểm những bất cập, tồn tại hiện nay như hệ thống giao dịch, công bố thông tin của các công ty đại chúng và doanh nghiệp niêm yết, chất lượng báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp...
Dẫn nguồn:https://tuoitre.vn/chung-khoan-can-co-quan-quan-ly-doc-lap-20220523083905722.htm