Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến quá trình cải cách tư pháp để các nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến.
Ngày 21-11, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, đã có buổi báo cáo chuyên đề và làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM tại Trường ĐH Kinh tế - Luật.
Phát biểu khai mạc, PGS-TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, hy vọng thông qua buổi gặp gỡ, trao đổi với Chánh án TAND Tối cao, các nghiên cứu sinh, sinh viên sẽ có được tiền đề, gợi mở cho những nghiên cứu trong tương lai.
Có nên thay đổi chế định hội thẩm nhân dân?
Tại buổi làm việc, một trong những vấn đề liên quan đến cải cách tư pháp mà ông Bình dành nhiều thời gian để trình bày là chế định hội thẩm nhân dân (HTND).
Chánh án TAND Tối cao tại buổi làm việc ngày 21-11 với ĐH Quốc gia TP.HCM. |
Theo ông Bình, cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án là cơ chế cho phép người dân thực hiện quyền lực nhà nước và giám sát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, chế định HTND mà Việt Nam đang sử dụng có những hạn chế nhất định.
Trên thực tế, HTND chủ yếu là các điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán đã về hưu. Vì thế, họ vẫn chưa đại diện đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân. Song, nếu để những người hành nghề khác làm HTND thì sẽ xảy ra tình trạng phụ thuộc vào ý kiến của thẩm phán vì những người này chưa đủ kiến thức chuyên sâu để có thể giải quyết đúng đắn vụ án.
“Phải nói đến việc thẩm quyền giao cho HTND là vượt quá năng lực, dẫn đến một gánh nặng quá lớn” - ông Bình nói.
Ngoài ra, Chánh án TAND Tối cao cũng cho rằng các chính sách về chế tài và bảo vệ cho các HTND vẫn chưa được hoàn thiện.
Ông Bình dành nhiều thời gian so sánh giữa hai chế định HTND và bồi thẩm đoàn. Ông cho rằng với cơ chế bồi thẩm đoàn, những người này chỉ cần phải “xác định sự thật của vụ án” từ các bằng chứng tại phiên tòa chứ không phải thực hiện các nhiệm vụ vượt quá hiểu biết như xác định tội danh, hình phạt…
Từ đó, ông Bình đặt ra câu hỏi cho các nhà nghiên cứu: Liệu Việt Nam có nên thay đổi cơ chế HTND như hiện tại hay không?
Chánh án TAND Tối cao hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ có những đóng góp để phát triển và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử từ các kinh nghiệm quốc tế.
|
Sẽ xóa bỏ quy định tòa án thu thập chứng cứ
Tại buổi làm việc, Viện sĩ-PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng những bước tiến và thành quả cải cách tư pháp ở Việt Nam trong 20 năm qua là rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, theo ông Điện, vẫn còn một số bất cập trong các quy định liên quan đến tòa án. Đơn cử như hiện nay, các quy định về tố tụng đề cập đến việc tòa án thu thập chứng cứ nhưng điều này là không phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam. Bởi lẽ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là của cơ quan điều tra, VKS; trong các vụ án dân sự là của nguyên đơn, bị đơn… Tòa án chỉ nên dựa vào những bằng chứng mà các bên cung cấp để xem xét, đánh giá và đưa ra phán quyết.
Đồng ý với quan điểm của PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Chánh án TAND Tối cao cho biết sắp tới sẽ tiến hành xóa bỏ quy định tòa án thu thập chứng cứ.
Ngoài ra, liên quan đến hoạt động chứng minh trong tố tụng hình sự, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đưa ra bốn đề xuất để các nhà làm luật nghiên cứu: (1) Chế định thỏa thuận nhận tội; (2) Tăng nghĩa vụ giải trình, giảm nghĩa vụ chứng minh (ví dụ: Tội tham nhũng, rửa tiền…); (3) Loại bỏ nghĩa vụ chứng minh về “hậu quả” trong một số tội phạm (ví dụ: Tội phạm công nghệ cao, tội phạm xâm phạm sức khỏe…); (4) Loại bỏ nghĩa vụ chứng minh về “động cơ, mục đích” trong một số tội phạm (ví dụ: Tội nhận hối lộ…).
Lý giải cho những đề xuất trên, ông Bình cho biết việc chứng minh tội phạm tham nhũng, hối lộ trong một số trường hợp là rất khó khăn.
“Anh có bao nhiêu nhà, bao nhiêu lô đất, cho con đi học bên Mỹ… thì anh phải giải trình được số tiền để làm những việc này lấy từ đâu ra. Nếu không giải trình được thì anh phải chịu trách nhiệm. Việc buộc cơ quan có thẩm quyền chứng minh tính bất hợp pháp của nguồn gốc số tiền (làm cơ sở để buộc tội) là không dễ dàng, thậm chí rất khó khăn trong một số trường hợp” - ông Bình chia sẻ.
Cũng theo Chánh án TAND Tối cao, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đã xác định cần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Từ đó ông Bình cho rằng cần tập trung cho các mục tiêu cụ thể, gồm: (i) Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp; (ii) Xác định đúng thẩm quyền của tòa án; (iii) Phân định rõ nhiệm vụ xét xử các cấp; (iv) Xây dựng tòa án điện tử; (v) Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; (vi) Nâng cao hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử.
Cơ hội nào cho sinh viên trường luật vào ngành tòa án? Cũng tại buổi làm việc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhận được rất nhiều kiến nghị cũng như câu hỏi của các nhà nghiên cứu luật, giảng viên luật và sinh viên. PGS-TS Ngô Hữu Phước, giảng viên Khoa luật kinh tế Trường ĐH Kinh tế - Luật, đặt câu hỏi: Ngành tòa án chỉ cho phép thi tuyển thư ký đối với cử nhân luật có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thư ký, nghiệp vụ xét xử. Mà chứng chỉ này hiện nay chỉ có Học viện Tòa án (trực thuộc TAND Tối cao), Học viện Tư pháp đào tạo. Vậy cách tuyển dụng này liệu có công bằng và có cơ hội nào cho các bạn sinh viên các trường luật khác được vào ngành tòa án? Về câu hỏi trên, ông Nguyễn Hòa Bình lý giải: Việc đặt ra yêu cầu như vậy để đảm bảo nguồn nhân lực đạt yêu cầu chất lượng cao của ngành và quan trọng là phù hợp với quy định của luật. Theo ông Bình, mỗi năm có khoảng 700-800 người sẽ không còn làm việc trong ngành tòa án vì nhiều lý do như về hưu, sức khỏe, xin nghỉ việc… Số hao hụt này sẽ được tuyển dụng mới. Ông Bình cho biết Học viện Tòa án chỉ tuyển sinh tối đa không quá 300 học viên/năm. Như vậy, khoảng 400-500 vị trí còn lại sẽ được tuyển từ các cơ sở đào tạo luật khác. Dĩ nhiên, các bạn này cần phải đi học thêm chứng chỉ nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ thư ký ở Học viện Tòa án hoặc Học viện Tư pháp (mất khoảng sáu tháng) mới có cơ hội thi tuyển vào ngành. Thực tế, các bạn sinh viên tốt nghiệp đến từ các cơ sở đào tạo khác Học viện Tòa án vẫn có cơ hội vào làm việc trong ngành tòa án nếu có chứng chỉ nói trên để thi tuyển và vượt qua kỳ thi quốc gia. |