THỰC TRẠNG GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Đại dịch Covid-19 đã diễn ra gần 03 năm và kết cục của nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt từ kinh tế, chính trị, y tế, văn hóa,… kéo theo liên tục nhiều biến động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không kể quy mô lớn nhỏ. Nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn con đường “phá sản” hoặc “giải thể” vì họ không thể gồng gánh được khoản chi phí liên quan: nợ thuế, lương nhân công, bảo hiểm xã hội, chi phí thuê mặt bằng,...
Theo như số liệu thống kê mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023:
“Trong 4 tháng năm 2023 có 77.001 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 64,8%), cụ thể:
- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 49.930 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 24.373 doanh nghiệp (chiếm 48,8%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 44.728 doanh nghiệp (chiếm 89,6%, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2022).
- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 20.945 doanh nghiệp, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 18.586 doanh nghiệp (chiếm 88,7%, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2022).
- Số doanh nghiệp giải thể là 6.126 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 16/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 4 tháng năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 4.239 doanh nghiệp (chiếm 69,2%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 5.268 doanh nghiệp (chiếm 86%, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022).”
(Theo Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 và 4 tháng năm 2023, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Khoản 1, Điều 207 Luật Doanh nghiệp có quy định doanh nghiệp giải thể chủ yếu ở hai hình thức: tự nguyện hoặc bắt buộc. Đối với giải thể tự nguyện là khi: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần. Còn giải thể bắt buộc là khi công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác. Và doanh nghiệp muốn giải thể phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.
Sở dĩ số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể ở nước ta rất cao vì đa phần doanh nghiệp không đảm bảo được các khoản nợ đối với nhà nước, nghĩa vụ tài sản khác. Các nghĩa vụ cơ bản bao gồm:
- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.
- Nợ thuế: thuế môn bài, nợ thuế do chậm trả nộp các tờ khai, làm báo cáo thuế hàng tháng, báo cáo hàng quý, báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn và quyết toán năm theo quyết định xử phạt của cơ quan thuế. Vì nghĩa vụ kê khai nộp thuế cần thực hiện đúng thời hạn theo quy định của luật Quản lý thuế, nếu chậm trễ thì chi phí sẽ càng tăng cao.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc không thể phát triển được dẫn đến không thể hoàn trả các khoản này. Tất yếu dẫn việc hàng loạt doanh nghiệp phải chờ làm thủ tục giải thể. Trong thời gian chờ giải thể, chủ doanh nghiệp có xu hướng ít quan tâm và không bộ phận theo dõi tình hình thuế doanh nghiệp như hạn nộp tờ khai, hạn nộp thuế môn bài. Hành vi có thể khiến doanh nghiệp vi phạm thủ tục thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019: “Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày nhưng không phát sinh số tiền thuế phải nộp”.
Ngoài số tiền doanh nghiệp phải trả cho nhân viên, nộp cho cơ quan thuế; doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối diện tiền lãi do chậm nộp thuế, thời gian chờ làm thủ tục giải thể càng kéo dài, doanh nghiệp càng khó khăn trong việc khắc phục tài chính. Hãy chọn "NTB Legal Solutions" là tổ chức giúp doanh nghiệp xử lý và hoàn thiện thủ tục giải thể.