Quy định về chi phí của Quản tài viên theo Luật Phá sản

hotline0909.227.486 emailinfo@gegroup.edu.vn
Quy định về chi phí của Quản tài viên theo Luật Phá sản
Ngày đăng: 07/06/2023 04:22 PM

    QUY ĐỊNH VỀ CHI PHÍ CỦA QUẢN TÀI VIÊN THEO LUẬT PHÁ SẢN

    Chế định quản tài viên gắn liền với Luật phá sản số 51/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/5/2014 và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chỉnh phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực đã hơn tám năm và vẫn đang được áp dụng thi hành, các quy định về quyền và nghĩa vụ của quản tài viên đã bộc lộ một số hạn chế, gây khó khăn cho quản tài viên. Bài viết dưới đây G.E Legal Solutions đề cập đến quy định của nước ta về cách tính chi phí Quản tài viên từ đó chỉ ra những khuyết điểm của pháp luật Việt Nam và đề xuất phương án hoàn thiện pháp luật.

    Sơ lược quy định về chi phí của Quản tài viên của nước ta:

    Hoạt động của quản tài viên là hoạt động nghề nghiệp mang tính dịch vụ, hưởng thù lao là quyền phải được bảo đảm thực hiện của quản tài viên. Thù lao là cơ chế vừa bảo đảm quyền được hưởng các công sức lao động của quản tài viên đã bỏ ra, vừa là nghĩa vụ của các bên tham gia thủ tục phá sản phải chi trả cho quản tài viên. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quyền được hưởng thù lao quy định của pháp luật được quy định Khoản 5, Điều 16 Luật Phá sản năm 2014 và Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP. Và đây loại chi phí được ưu tiên hàng đầu trong thứ tự phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã (khoản a, Khoản 1, Điều 54 Luật Phá sản năm 2014.

    Thù lao của quản tài viên được xác định dựa trên 03 yếu tố:

    - Thời gian quản tài viên sử dụng để thực hiện nhiệm vụ;

    - Công sức của quản tài viên trong việc thực hiện nhiệm vụ;

    - Kết quả thực hiện nhiệm vụ của quản tài viên.

    Cả 03 yếu tố cộng hưởng để xác định thù lao, từ đó tránh được các trường hợp: quản tài viên kéo dài thời gian xử lý để hưởng chi phí lớn hơn; hoặc là chỉ chú trọng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ mà xem nhẹ thời gian và công sức mà quản tài viên bỏ ra khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, cách xác định, chi trả chi phí quản tài viên như hiện nay là chưa phù hợp, chưa tương xứng với thời gian, công sức mà quản tài viên bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ:

    Thứ nhất quy định bù trừ nghĩa vụ theo khoản 1, khoản 2, Điều 63 Luật Phá sản năm 2014: sau khi Tòa án có quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện nghĩa vụ bù trừ nghĩa vụ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Việc thực hiện bù trừ phải được sự đồng ý của Quản tài viên, Quản tài viên sẽ tham gia vào và phải chịu trách nhiệm trong khâu thực hiện bừ trụ nghĩa vụ. Sau khi hoạt động bù trừ này diễn ra doanh nghiệp không còn tài sản mà chi phí Quản tài viên lại được lấy từ giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi thanh lý. Như vậy, trường hợp này thì chi phí cho Quản tài viên được chi trả từ nguồn tài chính nào và giải quyết như thế nào vẫn chưa được hướng dẫn.

    Thứ hai, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản ở tình trạng không còn chi phí thực hiện thủ tục phá sản, hoặc còn nhưng mức chi phí này không đủ chi trả cho thủ tục phá sản, nhưng chỉ đến khi kiểm kê hoặc bán tài sản mới phát hiện ra. Và nếu như giá trị tài sản tại thời điểm định giá thấp thì cách chi trả kinh phí, thù lao cho Quản tài viên như thế nào chưa nhà làm luật dự trù phương thức giải quyết.

    Thứ ba, mức thù lao được xác định dựa vào tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý. Tại điểm b, khoản 4, Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP có quy định về bảng tỉ lệ thù lao Quản tài viên. Sau khi thanh lý, tổng giá trị tài sản thu được là dưới 100 triệu đồng, thì thù lao Quản tài viên có được 5% tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý, nghĩa là Quản tài viên chỉ nhận được tối đa là 5 triệu đồng cho thủ tục phá sản, dù cho thủ tục có thể kéo dài 1 năm hoặc nhiều năm.

    So sánh quy định về chi phí của Quản tài viên với pháp luật của Trung Quốc:

    Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc năm 2006 cũng có quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán như pháp luật Việt Nam. Tại Điều 113 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc quy định chi phí liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của quản tài viên nằm trong chi phí cho thủ tục phá sản và được ưu tiên thanh toán bằng tài sản của doanh nghiệp bị phá sản bất cứ lúc nào: “Tài sản phá sản sau khi đã thanh toán xong các chi phí thủ tục phá sản và các khoản nợ vì lợi ích chung của các chủ nợ được thanh toán trước”. Và thù lao của Quản tài viên do Toà án nhân dân quyết định dựa trên giá trị còn lại của doanh nghiệp phá sản. Nếu chủ nợ có ý kiến phản đối về khoản thù lao của Quản tài viên thì có quyền kiện ra toà án nhân dân (Điều 28 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc năm 2006).

    Một số đề xuất phương án hoàn thiện quy định của pháp luật phá sản về chi phí Quản tài viên ở Việt Nam hiện nay:

    - Quy định chi tiết cách tính giờ làm việc để thanh toán thù lao, chi phí cho Quản tài viên phải có sự phân biệt mức độ phức tạp của từng vụ giải quyết phá sản. Khối lượng công việc của Quản tài viên rất lớn và không gắn liền với giờ hành chính thông thường, chẳng hạn như tài sản của doanh nghiệp phá sản ở nhiều nơi so với trụ sở mà doanh nghiệp đăng ký hoạt động, ở nước ngoài, số lượng tài sản của doanh nghiệp được cầm cố, thế chấp, cho vay, cho thuê nhiều... thì buộc Quản tài viên phải di chuyển địa phương nơi có tài sản để thực hiện thẩm định tài sản. Do vậy, cần thiết quy định về cách tính giờ làm việc dựa trên khối lượng kết quả của công việc thay vì tính theo ngày làm việc. Đề nghị tòa án tối cao có hướng dẫn và thống nhất từng mức cụ thể để dễ thực hiện.

    - Cần phải quy định cụ thể về cách thức, thời hạn thanh toán chi phí Quản tài viên, nên bổ sung thù lao Quản tài viên vào nghĩa vụ nộp lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Để khắc phục tình trạng Quản tài viên tự bỏ tiền để thực hiện công việc mà khả năng được hoàn trả không cao.

     

     

    Chia sẻ:
    Bài viết cùng chuyên mục:
    Gọi điện
    Messager
    Zalo
    Menu