PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN TỰ ĐỊNH ĐOẠT CỦA ĐƯƠNG SỰ
TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
* Nguyễn Đình Hoàng[1]
GE Group
Đặt vấn đề
Trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, quyền tự định đoạt của đương sự đóng vai trò nền tảng và xuyên suốt, thể hiện sự tôn trọng quyền tự do ý chí và tự chủ của các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự. Quyền này không chỉ là nguyên tắc cơ bản trong pháp luật tố tụng dân sự mà còn được ghi nhận trong nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ Bộ luật Dân sự (BLDS) đến Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS), cũng như các luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, việc áp dụng và thực hiện quyền tự định đoạt trong thực tiễn lại đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là sự tương tác giữa quyền tự định đoạt của đương sự với các quyền lợi chung của xã hội, quyền và lợi ích của bên thứ ba, và nghĩa vụ của tòa án trong quá trình xét xử.
Vấn đề đặt ra là liệu khung pháp lý hiện hành đã đủ minh bạch và hiệu quả để đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự được thực thi một cách thực chất, duy trì được sự cân bằng giữa quyền lợi của các bên và trách nhiệm của tòa án trong việc vừa bảo đảm tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, vừa ngăn chặn sự lạm dụng quyền này có thể ảnh hưởng đến lợi ích chung. Việc nghiên cứu các quy định về quyền tự định đoạt , cũng như phân tích các hạn chế, bất cập trong việc áp dụng các quy định này trong thực tiễn, là cần thiết để từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, hoàn thiện pháp luật.
Từ khóa: Quyền tự định đoạt, đương sự, vụ án dân sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, pháp luật chuyên ngành.
Khái niệm và nội dung quyền tự định đoạt của đương sự
Quyền tự định đoạt là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, quyền tự định đoạt của đương sự là quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia vào quan hệ tố tụng dân sự để tự mình quyết định và tự chịu trách nhiệm về các yêu cầu, hành vi pháp lý trong quá trình giải quyết vụ án. Quyền này bao gồm các quyền như khởi kiện, yêu cầu, phản tố, rút đơn, thỏa thuận và tự giải quyết tranh chấp.
Theo Bộ luật Dân sự 2015, quyền tự định đoạt không chỉ giới hạn ở việc đưa ra yêu cầu mà còn bao gồm cả việc xác định cách thức thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ pháp lý. Tại Điều 3 Bộ luật Dân quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự nêu rõ rằng các cá nhân, tổ chức được quyền tự do cam kết và thỏa thuận nhưng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội.
Quyền tự định đoạt của đương sự thể hiện nguyên tắc tôn trọng quyền tự do ý chí của các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, đồng thời tạo ra một cơ chế linh hoạt giúp đương sự tự chủ trong việc giải quyết tranh chấp. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy việc giải quyết vụ án nhanh chóng, hiệu quả mà còn góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Quyền tự định đoạt của đương sự trong Pháp luật Dân sự và Tố tụng Dân sự.
Quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự được quy định trong nhiều điều khoản của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015) và Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015). Những quy định này tạo ra khung pháp lý để đương sự có thể tự quyết định các hành vi pháp lý liên quan đến quá trình giải quyết vụ án dân sự.
Mở đầu BLTTDS, tại các điều khoản đầu tiên của bộ luật, các nhà làm luật đã đề cập đến quyền tự định đoạt của đương sự ngay tại Điều 5 của bộ luật này quy định về “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”. Đây là cơ sở pháp lý chính thể hiện quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự. Nội dung của điều luật này nhấn mạnh, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự, hành vi pháp lý liên quan trong quá trình tố tụng như rút đơn khởi kiện, bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện. Cũng tại điều này giới hạn cho tòa án cũng được đặt ra trong việc giải quyết tranh chấp, theo đó Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự và không được phép vượt quá những gì mà đương sự đã đề nghị. Quyền tự định đoạt này đảm bảo rằng quá trình tố tụng dân sự là sự phản ánh sự tự do ý chí của các bên tham gia. Điều này thể hiện nguyên tắc của hệ thống tư pháp dân sự, nơi mà các bên liên quan không bị cưỡng chế hoặc bị buộc phải tham gia tố tụng nếu không có nhu cầu.
Tại Điều 70 của BLTTDS 2015 các nhà làm luật cũng đã quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của đương sự, trong đó nhấn mạnh quyền tự định đoạt trong quá trình tố tụng. Theo đó quyền tự định đoạt của đương sự bao gồm việc quyết định có sử dụng quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường hoặc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một khía cạnh đặc biệt quan trọng trong quyền tự định đoạt, giúp đương sự bảo vệ tài sản hoặc lợi ích trong khi chờ giải quyết tranh chấp chính. Việc cho phép đương sự thay đổi hoặc rút yêu cầu khởi kiện cũng là biểu hiện của quyền tự định đoạt. Tuy nhiên, nếu việc rút yêu cầu gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba hoặc vi phạm lợi ích công cộng, tòa án có thể can thiệp để ngăn chặn việc lạm dụng quyền tự định đoạt. Với quy định trên không chỉ bảo vệ quyền tự định đoạt trong việc khởi kiện mà còn mở rộng quyền này trong toàn bộ quá trình tố tụng. Đương sự có thể thay đổi chiến lược pháp lý bằng cách bổ sung hoặc rút bớt yêu cầu khởi kiện tùy theo diễn biến vụ án.
Trong quá trình giải quyết vụ án, các bên đương sự có thể linh hoạt định đoạt, thỏa thuận, hiệp thương phương án giải quyết. Theo quy định tại điều 205 của Bộ luật này, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự có quyền thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Thỏa thuận giữa các bên phản ánh sự tự chủ và tự nguyện trong việc giải quyết tranh chấp. Quyền tự định đoạt ở đây không chỉ liên quan đến việc khởi kiện mà còn bao gồm khả năng thương lượng, nhượng bộ và đạt được sự đồng thuận, ngay cả sau khi đã bắt đầu quá trình tố tụng. Tuy nhiên, tòa án không phải lúc nào cũng công nhận mọi thỏa thuận. Nếu thỏa thuận này gây tổn hại đến quyền lợi của bên thứ ba hoặc vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật và đạo đức xã hội, tòa án có thể từ chối công nhận. Điều này đặt ra một giới hạn cho quyền tự định đoạt, nhằm bảo vệ lợi ích chung và ngăn chặn việc lạm dụng quyền này. Tòa án có trách nhiệm xem xét và công nhận thỏa thuận nếu không trái pháp luật hoặc vi phạm đạo đức xã hội.
Ngoài Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015) và Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), nhiều luật chuyên ngành cũng quy định về quyền tự định đoạt của đương sự trong các lĩnh vực cụ thể. Những quy định này không chỉ bổ sung, chi tiết hóa quyền tự định đoạt mà còn mở rộng phạm vi áp dụng của nó trong các loại tranh chấp đặc thù. Việc phân tích sâu các luật chuyên ngành giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách quyền tự định đoạt của đương sự được triển khai và áp dụng trong thực tiễn các quan hệ pháp luật phức tạp, đa dạng.
Quyền tự định đoạt của đương sự trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Điều 55 và Điều 56 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rõ ràng về quyền tự định đoạt của vợ chồng trong việc giải quyết các vấn đề ly hôn, phân chia tài sản chung và quyền nuôi con. Quyền tự định đoạt trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cho phép các cặp vợ chồng tự do thỏa thuận các vấn đề liên quan đến tài sản và con cái. Điều này thể hiện rõ sự tôn trọng quyền tự chủ của đương sự trong các quan hệ hôn nhân, giúp quá trình giải quyết ly hôn diễn ra nhanh chóng, ít tốn kém và tránh căng thẳng giữa các bên.
Tuy nhiên, quyền tự định đoạt trong lĩnh vực này vẫn có những giới hạn nhất định. Ví dụ, trong các trường hợp liên quan đến quyền lợi của trẻ em, tòa án sẽ can thiệp để bảo vệ quyền lợi của con cái, ngay cả khi hai bên đã thỏa thuận trước đó. Điều này đặt ra một sự cân bằng giữa quyền tự định đoạt của vợ chồng và lợi ích của bên thứ ba (trẻ em).
Quy định tại Điều 55 cũng chỉ ra rằng, khi không có sự thỏa thuận đồng thuận giữa hai vợ chồng về vấn đề tài sản hoặc con cái, quyền tự định đoạt sẽ bị hạn chế và tòa án sẽ phải can thiệp để đưa ra phán quyết theo quy định của pháp luật.
Quyền tự định đoạt của đương sự trong lĩnh vực đất đai.
Trong lĩnh vực đất đai, tại Điều 235 của Luật Đất đai 2024 pháp luật về đất đai khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự thỏa thuận giải quyết trước khi đưa ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tòa án. Nếu không thể tự thỏa thuận, các bên có quyền yêu cầu hòa giải tại cơ quan cấp xã trước khi khởi kiện ra tòa án hoặc đề nghị cơ quan nhà nước giải quyết. Trong tranh chấp đất đai, quyền tự định đoạt được nhấn mạnh ở việc các bên có thể tự giải quyết tranh chấp thông qua thỏa thuận. Điều này không chỉ giảm thiểu căng thẳng và thời gian giải quyết mà còn giúp giữ gìn quan hệ xã hội, đặc biệt là trong các tranh chấp đất đai ở các cộng đồng dân cư, nơi mối quan hệ giữa các bên thường phức tạp và nhạy cảm.
Quy định tại Điều 235 nhằm giảm tải cho hệ thống tòa án và cơ quan hành chính, đồng thời khuyến khích các bên tự giải quyết tranh chấp trước khi khởi kiện. Đây là một biểu hiện rõ ràng của việc bảo vệ và khuyến khích quyền tự định đoạt của đương sự trong lĩnh vực đất đai.
Tuy nhiên, nếu không đạt được thỏa thuận hoặc hòa giải không thành, quyền tự định đoạt của các bên sẽ chuyển sang giai đoạn tố tụng chính thức và bị ràng buộc bởi các quyết định của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. Điều này phản ánh sự giới hạn của quyền tự định đoạt trong những trường hợp mà lợi ích công cộng hoặc quyền lợi của nhiều bên khác bị ảnh hưởng.
Quyền tự định đoạt của đương sự trong lĩnh vực kinh doanh – thương mại.
Trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh và phức tạp như hiện nay, các tranh chấp thương mại là điều không thể tránh khỏi. Khi những bất đồng giữa các bên không thể tự giải quyết, việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp phù hợp trở nên vô cùng quan trọng. Dự liệu được vấn đề đó, với mong muốn giải quyết được các vấn đề đang tranh chấp cũng như duy trì sự hòa khí giữa các bên, pháp luật về thương mại tại Việt Nam cho phép các bên có quyền tự định đoạt, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Theo đó, quy đinh tại Điều 317 của Luật Thương mại 2005 cho phép các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp trong thương mại thông qua thương lượng, hòa giải hoặc trọng tài, thay vì chỉ thông qua tòa án. Điều này cho phép các bên tranh chấp tự do lựa chọn phương thức giải quyết mà họ thấy phù hợp nhất với lợi ích của mình. Quyền tự định đoạt trong hoạt động kinh doanh thương mại được thể hiện rõ nét qua việc các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, hoặc đưa ra trọng tài thương mại. Điều này giúp các bên tiết kiệm thời gian, chi phí và duy trì mối quan hệ kinh doanh, tránh việc tranh chấp kéo dài thông qua tòa án.Điều này là biểu hiện mạnh mẽ của quyền tự định đoạt trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, quyền tự định đoạt trong tranh chấp thương mại có giới hạn khi một trong các bên có hành vi vi phạm pháp luật hoặc các thỏa thuận gây ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ ba. Trong trường hợp này, tòa án có thể can thiệp để đảm bảo công bằng và bảo vệ lợi ích công cộng.
Quyền tự định đoạt của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự là một biểu hiện rõ nét của nguyên tắc tôn trọng quyền tự do cá nhân trong pháp luật dân sự. Nó không chỉ thể hiện sự độc lập và chủ động của đương sự trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả, và phù hợp của quá trình giải quyết tranh chấp dân sự.
Tuy nhiên, quyền tự định đoạt không phải là quyền tuyệt đối mà cần được đặt trong khuôn khổ pháp luật và các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự. Điều này nhằm đảm bảo rằng sự tự do của đương sự không xâm phạm đến lợi ích công cộng, quyền lợi của các bên liên quan, cũng như nguyên tắc công bằng trong xét xử. Thực tiễn áp dụng pháp luật đã cho thấy rằng, mặc dù quyền tự định đoạt đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện nhằm tạo sự đồng bộ, minh bạch và khả thi trong thực tiễn.
Trong bối cảnh hệ thống pháp luật và tư pháp ngày càng phát triển, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền tự định đoạt của đương sự là vô cùng cần thiết. Sự đổi mới này không chỉ góp phần bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của cá nhân mà còn tạo dựng một nền tảng pháp lý vững chắc cho quá trình giải quyết tranh chấp, hướng đến một hệ thống tư pháp công bằng, hiệu quả và tiến bộ, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.