NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRƯỚC KHI THÀNH LẬP CÔNG TY
Hiện nay, các cá nhân có mong muốn thành lập công ty để có thể kinh doanh không còn là một điều khó khăn. Tuy vậy, để có thể thành lập công ty một cách hiệu quả và nhanh chóng thì các cá nhân cần phải lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất: Lựa chọn loại hình doanh nghiệp.
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020 thì có các loại hình doanh nghiệp sau: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên, Công ty cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những đặc điểm pháp lý khác nhau nên tùy thuộc vào mục đích và điều kiện của từng nhà đầu tư mà lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho phù hợp.
- Đối với doanh nghiệp tư nhân thì sẽ do 1 cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
- Đối với công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung, các thành viên hợp danh tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
- Đối với công ty TNHH 1 thành viên do 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức làm chủ sở hữu và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
- Đối với công ty TNHH 2 thành viên có ít nhất từ 2 đến 50 thành viên tham gia góp vốn vào công ty và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Thành viên công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức theo quy định của pháp luật.
- Đối với công ty cổ phần phải có ít nhất từ 3 cổ đông trở lên và không giới hạn số lượng tối đa thành viên tham gia. Các cổ đông công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức theo quy định của pháp luật và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Theo xu hướng kinh doanh hiện nay thì loại hình công ty được lựa chọn nhiều nhất là Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên, Công ty cổ phần bởi tính linh hoạt cũng như là có những lợi thế hơn so với những loại hình công ty còn lại.
Thứ hai: Đặt tên cho công ty.
Sau khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp, bước tiếp theo thì cá nhân, nhà đầu tư phải suy nghĩ tên công ty. Vì theo quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020 thì tên doanh nghiệp bao gồm 2 thành tố là “Loại hình doanh nghiệp” và “Tên riêng”. Loại hình doanh nghiệp thì có thể là công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần, còn tên riêng của doanh nghiệp là tên được viết theo bảng chữ cái của Tiếng Việt, bao gồm cả chữ số và ký hiệu. Khi đặt tên doanh nghiệp các bạn cần lưu ý về các trường hợp bị cấm khi đặt tên doanh nghiệp và những trường hợp đặt tên trùng, tên gây nhầm lẫn với những doanh nghiệp khác được quy định tại Điều 38, Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020.
Thứ ba: Lựa chọn địa điểm làm trụ sở chính.
Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số Fax và thư điện tử (nếu có).
Khi đặt trụ sở công ty, nhà đầu tư nên lựa chọn những địa chỉ rõ ràng, có vị trí địa lý thuận lợi và không nên đặt trụ sở tại các khu chung cư.
Thứ tư: Lựa chọn ngành nghề kinh doanh.
Đăng ký ngành nghề kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng trong lúc thành lập doanh nghiệp bởi vì bạn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm, nhưng có một vài ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ khi cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện được nêu thì mới có thể đăng ký hoạt động kinh doanh.
Thứ năm: Lựa chọn mức vốn điều lệ phù hợp.
Vốn điều lệ của doanh nghiệp có thể hiểu đơn giản là số vốn của các thành viên sáng lập, cổ đông cam kết rót vốn trong thời hạn nhất định được ghi vào điều lệ. Luật không quy định cụ thể mức vốn điều lệ cho từng loại hình doanh nghiệp vì thế tùy vào nhu cầu, mục đích và ngành nghề kinh doanh chúng ta nên chọn mức vốn điều lệ phù hợp. Không những vậy, cần phải lưu ý thêm về thời hạn góp vốn cũng như là tăng giảm vốn điều lệ để có thể thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và đảm bảo được quyền lợi của mình.
Thứ sáu: lựa chọn người đại diện pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật (Giám đốc/Tổng giám đốc/Chủ tịch….) là người chịu trách nhiệm cho các vấn đề liên quan đến việc ký kết hợp đồng, thủ túc, các giấy tờ liên quan với cơ quan nhà nước, điều hành đa số các hoạt động doanh nghiệp. Vì thế nên có sự cân nhắc nhất định trước khi bầu người đại diện pháp luật