CÔNG NHẬN KẾT QUẢ HÒA GIẢI THÀNH NGOÀI TÒA ÁN TRONG LĨNH VỰC
THƯƠNG MẠI
Việc giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong lĩnh vực thương mại được quy định tại Chương XXXIII Bộ luật tố tụng dân sự 2015 từ Điều 416 đến Điều 419. Nếu như thỏa thuận hòa giải được công nhận thì sẽ có hiệu lực như là bản án của Tòa án. Việc không công nhận kết quả hòa giải thành không làm ảnh hưởng đến nội dung và giá trị của thỏa thuận hòa giải thành, thỏa thuận hòa giải thành vẫn có hiệu lực thi hành như một hợp đồng (Khoản 6 Điều 419 BLTTDS 2015).
Việc hai bên có thể tiến hành hòa giải thành phụ thuộc vào chất lượng chuyên môn và đạo đức của hòa giải viên cũng như có được sự chấp nhận và ủng hộ của Tòa án đối với việc công nhận và thi hành kết quả hòa giải thành. Các bên có thể tùy ý lựa chọn hòa giải viên để có thể phù hợp với mong muốn và tiêu chí của mình.
Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành (Từ Điều 416 đến Điều 419 BLTTDS 2015)
Thỏa thuận hòa giải thành sẽ được Tòa án công nhận để thực thi như bản án của Tòa án trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của một hoặc các bên tham gia thỏa thuận đó.
Người yêu cầu phải gửi đơn yêu cầu có chứa các nội dung sau (Điều 418 BLTTDS 2015)
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ nếu người yêu cầu là cá nhân, chữ ký của người đại diện hợp pháp và dấu nếu người nộp đơn là cơ quan, tổ chức trong phần cuối đơn. Trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.
- Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải;
- Nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận.
Thỏa thuận hòa giải ngoài tòa án được yêu cầu công nhận phải được gửi kèm với đơn yêu cầu.
Thủ tục xem xét yêu cầu công nhận thỏa thuận hòa giải ngoài tòa án
Đơn yêu cầu sẽ được chấp nhận nếu tuân thủ các yêu cầu nêu trên. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án chỉ định một Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu (Khoản 1 Điều 363 BLTTDS 2015).
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ việc và Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu (Khoản 1 Điều 365 BLTTDS 2015).
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Thẩm phán được phân công xét đơn có quyền sau đây:
- Yêu cầu bên tham gia hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ý kiến về yêu cầu của người có đơn đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành; làm rõ nội dung yêu cầu hoặc bổ sung tài liệu, nếu xét thấy cần thiết;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền tiến hành hòa giải cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc xét đơn yêu cầu của đương sự, nếu xét thấy cần thiết.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.
Hết thời hạn chuẩn bị xét đơn (15 ngày), Tòa án ban hành quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Phiên họp phải được mở trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Thỏa thuận hòa giải thành sẽ được công nhận nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 417 BLTTDS 2015 và được nêu ở dưới đây (Khoản 5 Điều 419 BLTTDS 2015):
- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
- Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.
- Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Tòa án có thể từ chối công nhận nếu các điều kiện này không được thỏa mãn đầy đủ.
Quyết định công nhận thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án phải có các nội dung sau (Điều 370 BLTTDS 2015):
- Ngày, tháng, năm ra quyết định;
- Tên Tòa án ra quyết định;
- Họ, tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp;
- Tên, địa chỉ của người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành;
- Yêu cầu cụ thể của người làm đơn;
- Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu;
- Căn cứ pháp luật để giải quyết đơn yêu cầu;
- Quyết định của Tòa án;
- Lệ phí phải nộp.
Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành có hiệu lực ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.