Nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” phải được thấm nhuần đến từng cơ quan thuế để tránh gây ách tắc, xáo trộn thị trường bất động sản (BĐS) với hàng ngàn hồ sơ bị trả tới trả lui như thời gian qua.
Ở chiều ngược lại, người dân cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong hồ sơ khai thuế của mình.
Khoản 11 Điều 2 Nghị định 12/2015, Điều 17 Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính đều khẳng định: Giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng. Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
Quy định của pháp luật hai năm rõ mười như vậy được thực hiện suôn sẻ nhiều năm, cho đến khi câu chuyện chống thất thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng BĐS được dấy lên với yêu cầu giá ghi trên hợp đồng phải là giá thực tế mua bán, tức là giá thị trường!
Nhưng giá thị trường là giá nào thì ngay chính cơ quan quản lý là Tổng cục Thuế cũng chưa trả lời được.
Hệ quả là việc xác định giá thị trường phụ thuộc vào cảm quan của cán bộ thuế. Hàng ngàn hồ sơ khai thuế chuyển nhượng nhà đất bị ách lại, bị trả tới trả lui, có hồ sơ nằm nhiều tháng trời vẫn không được đóng thuế để hoàn thành thủ tục mua bán, sang tên. Lý do chỉ bởi vì cán bộ thuế nghi ngờ những trường hợp này có dấu hiệu kê giá thấp hơn so với giá giao dịch thực tế.
Phải thừa nhận tâm lý chung của một bộ phận người dân là khai giá thấp để đóng thuế ít, dẫn đến Nhà nước bị thất thu thuế. Nhưng không thể vì một bộ phận này mà bỏ qua quy định của pháp luật về nguyên tắc xác định giá chuyển nhượng. Việc nghi ngờ dấu hiệu trốn thuế, từ đó trả hồ sơ buộc người dân khai lại nhiều lần, là quán tính đẩy việc khó cho người dân. Chưa kể, không loại trừ điều này có thể gây ra sự tùy tiện, thậm chí móc ngoặc tiêu cực giữa hai bên. Nghiêm trọng hơn là sự vận hành ổn định của thị trường, của nền hành chính bị xâm phạm với hàng chồng hồ sơ bị trả tới trả lui không có điểm dừng.
Chính vì lẽ đó, trong Công điện 08 ngày 10-6, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cơ quan thuế không được trả lại hồ sơ, không kéo dài thời hạn giải quyết mà cần thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Nghị định 12 và Thông tư 92 nêu trên. Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đây là một chỉ đạo đúng đắn, thể hiện sự sòng phẳng, văn minh cần phải có giữa cơ quan quản lý và đối tượng bị tác động.
Sòng phẳng ở đây là từ cả hai phía.
Phía cơ quan thuế: Thực hiện theo đúng chức trách nhiệm vụ và quy định của pháp luật một cách rõ ràng, minh bạch, trong đó bao gồm quyền chuyển hồ sơ nghi ngờ trốn thuế để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, thậm chí điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Phía người dân: Chịu trách nhiệm về giá ghi trên hợp đồng và đóng thuế theo đúng quy định, đồng thời chịu sự chế tài của pháp luật từ truy thu thuế, xử phạt hành chính đến thậm chí xử lý hình sự nếu có hành vi trốn thuế.
Khi việc khai và nộp thuế chuyển nhượng BĐS được thực hiện theo nguyên tắc minh bạch, tự chịu trách nhiệm và hậu kiểm như trên sẽ không còn đất sống cho những cú móc ngoặc giữa người thực thi và người chịu tác động. Lúc ấy cũng không còn những ấm ức vì mình khai đúng mà bị hành tới hành lui, hay những tiêu cực có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Và chúng ta tin rằng với sự tuyên truyền bền bỉ, sự hiểu biết pháp luật ngày càng tăng trong xã hội, cộng với việc phát hiện, xử lý thật nghiêm hành vi trốn thuế thì giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng sẽ ngày càng tiệm cận với giá giao dịch thực tế. Khi đó, ngân sách nhà nước có thêm nguồn thu để chăm lo lại cho nhân dân, còn người dân cũng gối đầu ngủ kỹ vì mình đã tuân thủ pháp luật một cách thực chất.
Nguồn:Cấm trả lại hồ sơ khai thuế: Sự sòng phẳng cần thiết! (plo.vn)